Khu chế xuất là khu công nghiệp đặc biệt, chỉ dành cho việc sản xuất, chế biến sản phẩm để xuất khẩu ra nước ngoài hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ liên quan đến xuất – nhập khẩu trong khu vực với ưu đãi về mức thuế, giá thuê mặt bằng và thủ tục hành chính khác. Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp chuyên sản xuất những mặt hàng xuất khẩu và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất và hoạt động xuất khẩu. Theo Nghị định số 114/2015/NĐ – CP, sau khi bổ sung, sửa đổi, quy định của khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất có những điểm chung sau: áp dụng quy định thuộc khu phi thuế quan, được ngăn cách bởi hệ thống tường rào, cửa/cổng ra vào,…
Table of Contents
Những vấn đề cần biết về khu chế xuất
Khu chế xuất là gì?
Khu chế xuất là khu công nghiệp chỉ dành cho việc sản xuất, chế biến sản phẩm để xuất khẩu ra nước ngoài hoặc những doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ liên quan đến xuất – nhập khẩu trong khu vực đó với ưu đãi về mức thuế, giá thuê mướn mặt bằng cũng như thủ tục hành chính khác.
Vị trí, ranh giới của khu chế xuất được xác định từ trước. Đồng thời, khu vực này còn có những cơ sở hạ tầng như: nước, điện, giao thông nội khu,… Ban quản lý sẽ điều hành và quản lý hoạt động chung của khu chế xuất.
Điều kiện thành lập khu chế xuất
Theo khoản 2, Điều 5 Nghị định 164/2013/NĐ-CP, quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận để đầu tư mới và mở rộng khu chế xuất:
- Khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60%.
- Kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Phù hợp theo quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp.
Nếu thỏa mãn những điều kiện trên thì sẽ cấp Giấy chứng nhận đầu tư và được phép thành lập khu chế xuất.
Bên cạnh đó, đối với các khu công nghiệp lớn có diện tích từ 500 ha trở lên, nhiều nhà đầu tư tham gia xây dựng – kinh doanh kết cấu hạ tầng theo các khu vực riêng hoặc gắn liền với khu đô thị, kinh doanh tập trung khác trong đề án tổng thể phải lập quy hoạch xây dựng chung theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng trước khi lên kế hoạch chi tiết.
Đối với khu công nghiệp có diện tích từ 200 ha trở lên hoặc vị trí cạnh những tuyến quốc lộ, gần khu bảo tồn di tích lịch sử, khu vực quốc phòng, khu đô thị loại I, II,… thì phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những Bộ khác và các ngành có liên quan về quy hoạch chi tiết khu xây dựng trước khi được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Trình tự thành lập, mở rộng khu chế xuất
Theo Điều 8, Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, trình tự thành lập, mở rộng khu chế xuất được thực hiện như sau:
“1. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư:
Trường hợp khu công nghiệp hoặc mở rộng khu công nghiệp có trong Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp hoặc có trong Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được phê duyệt thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng mà không phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép thành lập khu công nghiệp;
Trường hợp khu công nghiệp hoặc mở rộng khu công nghiệp chưa có trong Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp đã được phê duyệt thì Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thực hiện thủ tục bổ sung hoặc mở rộng khu công nghiệp vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp theo quy định tại Điều 6 và Điều 12 Nghị định này.
2. Quyết định thành lập, mở rộng khu công nghiệp:
a) Hồ sơ thành lập, mở rộng khu công nghiệp được lập theo quy định tại Điều 10 Nghị định này;
b) Quyết định thành lập, mở rộng khu công nghiệp theo quy định tại khoản 2, Điều 15 Nghị định này.”
» Xem thêm về: Quy hoạch khu dân cư
Những vấn đề cần biết về doanh nghiệp chế xuất
Thế nào là doanh nghiệp chế xuất?
“Doanh nghiệp chế xuất là gì?”, “Công ty chế xuất là gì?” là những câu hỏi mà nhiều người thường thắc mắc. Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, thực hiện những dịch vụ cho sản xuất xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu. Các doanh nghiệp này được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ.
Trao đổi hàng hóa giữa những doanh nghiệp chế xuất và các công ty trong thị trường Việt Nam được coi là quan hệ xuất, nhập khẩu nên phải theo quy định của pháp luật.
Ưu đãi về thuế của doanh nghiệp chế xuất
Doanh nghiệp chế xuất được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập
Dựa theo quy định tại khoản 4, Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC, doanh nghiệp chế xuất được hưởng thuế suất 17% từ ngày 01/01/2016 khi thực hiện dự án đầu tư mới trên địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn tại Phụ lục ban hành theo Nghị định 218/2013/NĐ-CP, nay được quy định tại Phụ lục II Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.
Thêm vào đó, doanh nghiệp chế xuất còn được miễn 2 năm thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập có thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 4, Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC trên (Điều 6 Thông tư 151/2014/TT-BTC).
Doanh nghiệp chế xuất được ưu đãi tiền sử dụng đất
Doanh nghiệp được miễn thuế đất 7 năm (điểm b, khoản 3, Điều 19 Nghị định 46/2014/NĐ-CP).
Doanh nghiệp chế xuất được ưu đãi thuế xuất – nhập khẩu
Theo điểm c, khoản 4, Điều 2 Luật Thuế xuất, nhập khẩu năm 2016“Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác”.
Doanh nghiệp chế xuất nằm trong khu phi thuế quan nên không phải chịu thuế xuất, nhập khẩu trong những trường hợp trên.
Quy định chung về doanh nghiệp và khu chế xuất
Theo nội dung được quy định tại Nghị định số 114/2015 NĐ-CP, sau khi bổ sung, sửa đổi, hoạt động của khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất có một số quy định chung sau:
- Áp dụng quy định thuộc khu phi thuế quan. Một số trường hợp được ưu đãi riêng thuộc khu kinh tế cửa khẩu đối với khu vực phi thuế quan.
- Được ngăn cách bằng hệ thống cổng/cửa ra vào, tường rào với lãnh thổ bên ngoài, không có dân cư sinh sống. Điều này giúp cơ quan chức năng (cơ quan hải quan) có thể giám sát và kiểm soát hoạt động xuất – nhập khẩu của khu chế xuất, doanh nghiệp.
- Được mua nguyên vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, đồ dùng sinh hoạt, lương thực, thực phẩm nội địa để phục vụ nhu cầu thường ngày của công nhân viên và các hoạt động điều hành bộ máy. Người bán hàng cho doanh nghiệp/khu chế xuất có thể hoặc không thực hiện thủ tục xuất – nhập khẩu và hải quan đối với các mặt hàng ở Việt Nam.
Qua bài viết trên, bạn đã biết thông tin cơ bản về khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất. Nếu có nhu cầu xây dựng khu chế xuất chất lượng, hiện đại, bạn hãy liên hệ MỸ TOÀN CORP để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng.